Tìm hiểu về phong tục bốc mộ của người Việt

Bốc mộ là phong tục từ lâu đời của người Việt với mục đích làm cho thân thể người đã khuất được sạch đồng thời không muốn để cho xác của người thân bị ngâm lâu trong nước bẩn, bị những tấm ván mục nát của quan tài đè lên. Hãy cùng chuyên mục phong tục tìm hiểu thêm về phong tục bốc mộ nhé!

Tìm hiểu về phong tục bốc mộ của người Việt
Tìm hiểu về phong tục bốc mộ của người Việt

Theo phong tục thì người mất sau 3 năm thì bốc mộ cải táng, cũng là lúc con cháu mãn tang, tức là hoàn toàn hết để tang vong linh. Do vậy việc bốc mộ thường được tiến hành sau 3 năm chôn hung táng. Tuy nhiên, hiện nay thực tế môi trường địa lý và khí hậu có nhiều thay đổi, các hóa chất được sử dụng nhiều trong đất để phục vụ sản xuất nông nghiệp nên rất nhiều trường hợp sau 3 năm xác người chết chưa phân hủy diễn ra khá phổ biến, nên nhiều gia đình lựa chọn giải pháp là để thời gian bốc mộ lâu hơn là từ 4 đến 5, có thể đến 7 năm để tránh hiện tượng trên.

Năm để tiến hành bốc mộ phải lựa chọn theo tuổi của vong, tránh những năm xung sát. Ngoài ra còn phải căn cứ theo tuổi của trưởng nam trong nhà, vì khi vong đã mất thì mọi sự may rủi đều gánh trên vai của người trưởng nam. Việc bốc mộ thường được thực hiện trong vòng khoảng 3 năm đến 9 năm sau khi chôn cất người đã khuất. Trước khi thực hiện phải mời thầy bói xem ngày lành tháng tốt và tuổi của người bốc mộ. Nếu thực hiện tốt sẽ được họ phù hộ độ trì đi theo bảo vệ và đem lại những điều tốt đẹp đến cho gia chủ. Còn không vận hạn xấu có thể sẽ sảy đến với họ.

Cách thức tiến hành phong tục Bốc Mộ

Theo âm lịch thì tháng đủ có 30 ngày, tháng thiếu có 29 ngày. Ta cần phải căn cứ vào 24 tiết khí và nên để ý là đầu tiết khí bao giờ cũng đi liền 2 trực giống nhau, một trực là ngày cuối tháng, một trực là ngày đầu tháng. 12 trực KIẾN – TRỪ – MÃN – BÌNH – ĐỊNH – CHẤP – PHÁ – NGUY – THÀNH – THÂU – KHAI – BẾ, mỗi ngày là một trực. Tuổi và ngày nên chọn theo Tam hợp, Lục hợp, Chi đức hợp, Tứ kiểm hợp. Tránh các ngày Lục xung, Lục hình, Lục hại. Về Ngũ hành nên chọn ngày tương sinh hay bình hòa, tránh chọn ngày tương khắc.

Sau khi chọn được ngày bốc mộ  cũng cần phải xem giờ bốc mộ cho thân chủ. Tùy theo giờ tốt mà bốc, nhưng tất cả cùng phải chung một điều là bốc mộ phải làm vào ban đêm. Việc này nhằm tránh cho xương cốt gặp ánh sáng sẽ bị đen đi. Khi bốc mộ, người ta thường đào trước phần lớp đất ở phía trên trước, sau đó đúng giờ tốt mới bắt đầu mở tấm ván Thiên lên ( Tấm ván Thiên là tấm ván trên nóc quan tài ) .

Trước khi tiến hành bốc mộ, người nhà phải có làm một cái lễ tại Gia tiên để trình báo Tổ tiên. Tại nơi bốc hài cốt ngoài nghĩa trang cũng phải có một cái lễ trình Quan Thần Linh sở tại. Thông thường là một bộ đồ Quan Thần Linh ( Áo, mũ, ủng ) ngựa và 1000 vàng hoa màu đỏ, giấy tiền vàng bạc, trầu cau, rượu, thuốc, đèn nến, gạo muối. Nhiều nhà còn cúng thên Tam sên ( trứng vịt luộc + Thịt lơn luộc và một nhúm tôm khô bóc vỏ ) xôi, gà trống luộc nguyên con ….

Vật dụng cần thiết cho quá trình bốc mộ là một cái tiểu sành, một cái quách đặt làm sẵn, một miếng vải đỏ, một tấm ni lông, vài chai rượu nặng và nước Vang ( Còn gọi là nước ngũ vị hương – Đừng nhầm với gói ngũ vị hương để nấu Ca ri – Gói Vang có bán sẵn ở tiệm thuốc Bắc), một vài cái xô, chậu nhựa để rửa xương.

Công việc bốc mộ nên được diễn ra vào ban đêm, không nên làm vào ban ngày vì theo quan niệm tâm linh thì người âm thuộc về bóng đêm. Về khoa học, ban đêm với tiết trời lạnh lẽo là lúc thích hợp nhất để đưa lên một thi thể đang hoặc đã phân hủy, chứa nhiều khí và vi sinh vật độc hại, rất có khả năng gây ô nhiễm môi trường, dẫn đến bệnh tật, thậm chí dịch bệnh cho con người. Nếu chuyện này được làm giữa trưa nắng vào một ngày hè thì những nguy cơ và rủi ro sức khoẻ hẳn sẽ tăng lên đáng kể.

Trung bình để bốc xong một ngôi mộ, mỗi tốp thợ phải làm việc quần quật suốt hơn một tiếng đồng hồ. Trước khi đào, họ phải xác định vị trí huyệt thật chính xác, nhiều ngôi mộ do chôn thời gian lâu, quá trình tu sửa bị sai lệch vị trí so với ban đầu, nếu không biết cách sẽ phải đào rất vất vả, có khi đào nhầm sang mộ bên cạnh. Công việc bốc mộ thường là do những người chuyên môn bốc mộ đảm nhiệm . Khi ván Thiên được cậy ra, người ta phải đổ vài chai rượu có nồng độ cao vào quan tài để tảy rửa âm Khí. Sau đó mới tiến hành lấy cốt. Nhiều khi gặp trường hợp hài cốt chưa phân hủy hết thì phải dùng xăng đổ vào mộ và đốt cháy thịt còn sót, sau đó phải dùng dao dóc những mảnh thịt còn lại và đem rửa bằng nước vang. Sau khi nhặt hết cốt, rửa sạch thì trải tấm ni lông ở dưới, tấm vải đỏ ở trên và lần lượt xếp xương theo thứ tự của người. Riêng cái sọ phải dùng trà hoặc vải kê để cho mặt hướng lên trên. Mọi thứ xương phải kiểm tra cho đủ, không được phép thiếu. Có một cách mà dân gian thường sử dụng để kiểm tra đó là: sau khi “đãi cốt” xong, người ta thường cắm một bó hương to giữa lòng đáy huyệt, nếu làn khói quyện lại, bay thẳng lên có nghĩa đã hết cốt, nếu làn khói tỏa xuống, lởn vởn trong lòng huyệt có nghĩa là xương cốt của người chết chưa hết, cần phải kiểm tra lại.

Đây là phong tục có từ lâu đời cho đến nay nhưng hiện tại phong tục này không còn được nhiều người thực hiện vì gây ô nhiễm môi trường, vất vả cho người còn sống đồng thời làm ảnh hưởng đến sức khỏe của những người bốc mộ và làm kinh động nơi an nghỉ của người đã khuất.​

Bài viết trên của website xosomiennam.net.vn đã gửi đến độc giả các kiến thức về phong tục bốc mộ của người Việt, hy vọng những thông tin trên sẽ giúp độc giả trong việc tìm hiểu thêm về phong tục tập quán của quê hương. Ngoài ra độc giả có thể tham khảo thêm về phong tục cưới hỏi ở miền Nam nếu muốn nhé!

 

X