Top 5 lễ hội truyền thống Việt Nam đặc sắc

Lễ hội truyền thống Việt Nam là loại hình sinh hoạt văn hoá, sản phẩm tinh thần của người Việt được hình thành và phát triển trong quá trình lịch sử. Mỗi lễ hội đều có ý nghĩa thiêng liêng trong tâm trí mỗi người. Cùng điểm danh một số lễ hội truyền thống Việt Nam trong bài viết nhé!

Top 5 lễ hội truyền thống Việt Nam đặc sắc
Top 5 lễ hội truyền thống Việt Nam đặc sắc

Các lễ hội truyền thống Việt Nam:

1. Hội Lim (Bắc Ninh)

Hội Lim là lễ hội lớn nhất của tỉnh Bắc Ninh. Đến lễ hội mọi người sẽ được thưởng thức những làn điệu dân ca quan họ trữ tình, sâu lắng đã được gìn giữ và lưu truyền qua nhiều thế hệ của người dân nơi đây. Nội dung các bài quan họ khá phong phú có thể ca ngợi về công lao dựng nước và giữ nước, về tình yêu đôi lứa hay về cảnh đẹp non sông hùng vĩ, cũng có thể là về lao động sản xuất.

Trong lễ hội, các liền anh liền chị sẽ đứng trên một con thuyền mang hơi hướng cổ xưa, được sơn son thiếp vàng để đối đáp, tung hứng với nhau qua những lời ca, giai điệu. Mọi người khi tham gia lễ hội  sẽ vừa được thưởng thức những làn điệu quan họ lại vừa có thể tham gia trực tiếp và các trò chơi gian gian như đấu cờ, đấu vật, đu tiên,… Lễ hội thường tổ chức vào ngày 12 đến ngày 14 tháng giêng âm lịch hàng năm.

2. Lễ hội Gióng ( Gia Lâm, Hà Nội)

Lễ hội Gióng diễn ra tại làng Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Đây là lễ hội truyền thống với mục đích để tưởng nhớ và ca ngợi chiến công của người anh hùng Thánh Gióng trong truyền thuyết của người Việt. Thánh Gióng là một trong tứ bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Theo truyền thuyết thì đây là người anh hùng đã có công đánh thắng giặc Ân, mở đầu cho trang sử vàng son chống ngoại xâm của người Việt. Lễ hộ Gióng cũng là một trong những lễ hội lớn nhất tại vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Lễ hội được tổ chức chính thức vào ngày 9 tháng 4 âm lịch hàng năm. Công việc chuẩn bị cho lễ hội được bắt đầu từ ngày 1/3 đến ngày 5/4 âm lịch, với các việc tập dợt chuẩn bị cho ngày chính hội. Vào ngày 9/4 sẽ diễn ra lễ rước từ đền Mẫu đến đền Thượng cùng với đó là các hoạt động múa hát thờ, hội trận (diễn lại trận đánh thắng giặc Ân). Cuối cùng là việc khao quân và đêm đến có hát chèo. Đến ngày 10/4 sẽ vãn hội, người dân sẽ làm lễ duyệt quân, lễ tạ ơn Thánh Gióng.

3. Lễ hội núi Bà Đen ( Tây Ninh)

Núi Bà Đen rất nổi tiếng với người dân miền Nam. Vào đầu xuân, mọi người từ tứ phương lại thi nhau lên núi để viếng Bà, nhằm cầu mong Bà phù hộ một năm mới an khang thịnh vượng, phát tài phát lộc. Theo phong tục của người Việt thì lễ hội núi Bà Đen thường bắt đầu từ chiều 30 tết nguyên đán cho đến hết tháng 2 âm lịch.

Sở dĩ núi Bà Đen nổi tiếng linh thiêng là vì theo truyền thuyết thì trước đây có một người con gái tên là Đênh rất sùng đạo Phật do bị ép duyên mà bỏ lên núi xuất gia cầu đạo rồi từ giã cõi trần. Sau này, vua Nguyễn cho đúc tượng đồng đen rồi sắc phong cho bà làm “Linh Sơn Thánh Mẫu” để người dân tưởng nhớ và thờ cúng. Người dân gọi lâu ngày chệch đi thành bà Đen nên núi cũng có tên là núi bà Đen.

Theo quan niệm của người xưa thì đầu năm đi viếng Bà và “vay mượn” nhờ vả, xin lộc thì Bà sẽ phù hộ cho cả năm làm ăn thuận lợi. Đến ngày sẽ quay lại để trả lễ và tạ ơn cho bà.

4. Lễ hội Ka-tê (Ninh Thuận)

Lễ hội Ka-tê là lễ hội lớn nhất và đông nhất của dân tộc Chăm, thuộc tỉnh Ninh Thuận. Lễ hội được tổ chức tại tháp Pôklông Garai (Ninh Thuận), hoặc các tháp Chàm khác vào ngày 1/7 âm lịch (khoảng từ 25/9 đến 5/10 Dương lịch) hằng năm. Lễ hội để tưởng nhớ các vị anh hùng dân tộc, tổ tiên, ông bà cùng các vị thần linh và vua Pôklông Garai, vua Prôme. Trong những ngày lễ, người dân các vùng lân cận sẽ tụ tập lại gần tháp làm lễ. Các thầy cúng làm lễ cúng tế ở ngoài sân rồi sẽ chuyển vào trong đền.

Ngoài ra trong lễ hội còn có những màn diễn văn nghệ truyền thống của những cô gái và các chàng trai dân tộc Chăm với kèn Samanai và trống Ginăng. Lễ hội Katê được coi là giây phút thiêng liêng của người trần thế. Lễ hội đánh thức các tháp Chăm cổ kính bừng dậy, sáng loà, toả ra trăm sắc, ngàn hương, góp phần làm phong phú cho văn hoá đa sắc của Việt Nam.

5. Lễ hội Gò Đống Đa (Đống Đa, Hà Nội)

Lễ hội Gò Đống Đa được tổ chức ở gò Đống Đa, thuộc quận Đống Đa- Hà Nội, thường diễn ra vào ngày mùng 5 tết âm lịch hàng năm. Lễ hội tổ chức nhằm mục đích ăn mừng chiến thắng và tưởng nhớ công lao to lớn của vua Quang Trung. Trong lễ hội có các hoạt động như: hội trống, chuông báo hiệu cuộc rước thần chiến thắng tượng trưng cho khí thế quân Tây Sơn do vua Quang Trung lãnh đạo năm ấy. Những người tham gia cuộc rước bao gồm thanh niên các làng: Khương Thương, Thịnh Hào… Họ sẽ ăn mặc theo lễ phục hội, đi sau là cờ, biểu, lộng kiệu… và cuối đoàn rước là hình tượng “con rồng lửa” kết bằng rơm.

Chùa Đống Quang đối diện với gò Đống Đa sẽ là nơi tổ chức lễ cầu siêu, dâng hương tưởng nhớ công ơn của những anh hùng, nghĩa sĩ đã hết lòng vì dân, vì nước. Sau phần nghi lễ sẽ diễn ra các trò chơi dân gian vui khỏe, đua tài, đua trí như: Múa rồng, múa lân, đấu vật, chơi cờ, chọi gà…để du khách các nơi có thể cùng tham gia trảy hội.

Bài viết trên của website xosomiennam.net.vn đã gửi đến độc giả thông tin về những lễ hội truyền thống Việt Nam nổi tiếng, hy vọng sẽ giúp độc giả trong việc tìm hiểu thêm về phong tục tập quán của quê hương. Ngoài ra độc giả có thể tham khảo thêm về những hủ tục lạc hậu ở Việt Nam nếu muốn nhé!

X